Xạ trị là phương pháp sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung
thư, là một trong những phương pháp chữa trị ung thư được sử dụng phổ
biến nhất hiện nay. Nhưng hiệu quả của phương pháp này lại khác nhau ở
từng bệnh nhân và đó là lý do khiến nó khó mang đến những kết quả khả
quan hoàn toàn. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu tại sao xạ trị lại
cho ra nhiều kết quả khác nhau đến như vậy. Lần đầu tiên trên thế giới,
giáo sư Ahn Seong-kwan, Hàn Quốc phát hiện ra rằng, enzym Hades chính
là nguyên nhân khiến xạ trị mang lại kết quả khác nhau ở mỗi người bệnh.
Kẻ thù của bệnh nhân ung thư
“Khi
chúng tôi phát hiện ra enzym này lần đầu tiên, nó không hề có tên bởi
chúng tôi vẫn chưa biết nó hoạt động thế nào. Nhưng chúng tôi phát hiện
ra rằng, enzym này kiểm soát trực tiếp số lượng và chức năng của
protein chống ung thư p53, đây chính là chất ức chế ung thư nổi tiếng
nhất. Lượng chất này tăng khi đưa các chất phá hủy ADN từ ngoài vào như
chất phóng xạ. Vì thế, p53 càng nhiều thì các tế bào gây ung thư càng
bị tiêu diệt nhiều hơn. Cuối cùng, chúng tôi tìm ra được chính enzym
Hades đã cản trở quá trình tiêu diệt tế bào ung thư. Vì thế, chúng tôi
đặt tên cho enzym này là “Hades” (thần chết) - lấy theo tên một vị thần
Hy Lạp cai quản địa ngục và cái chết”. Theo lời GS. Ahn, enzym mới phát
hiện được đặt tên Hades này đã ngăn chặn chức năng chống ung thư của
protein p53. Chất ức chế tế bào ung thư p53 vốn đóng vai trò rất quan
trọng trong xạ trị liệu. Bình thường, các tế bào p53 tồn tại ở lượng
cực tiểu nhưng khi được chiếu tia phóng xạ, vòng đời cũng như số lượng
p53 tăng lên và giúp tiêu diệt các tế bào ung thư một cách hiệu quả.
Với
việc tìm ra enzym Hades, GS. Ahn đã tạo ra một bước ngoặt cho ngành
nghiên cứu bệnh ung thư, tìm ra nguyên nhân khiến phương pháp xạ trị tỏ
ra thiếu hiệu quả trong nhiều trường hợp, điều mà nhiều nhà khoa học
trên thế giới khá quan tâm.
Protein p53 có khả năng ức chế ung thư.
“Kẻ khủng bố” cơ thể người
“Có
rất nhiều lý do vì sao một số bệnh nhân mắc ung thư lại kháng tia phóng
xạ, nhưng theo ghi nhận thì nguyên nhân quan trọng nhất chính là do
lượng p53 giảm xuống. Dù có chiếu bao nhiêu tia phóng xạ bắn phá vào tế
bào ung thư thì lượng p53 đó vẫn không thể phát huy tác dụng. Bởi enzym
Hades tiếp tục phá hủy p53. Thực tế, theo một nghiên cứu đối với các
bệnh nhân bị ung thư gan thì 3/4 số bệnh nhân được nghiên cứu có enzym
Hades. Chính điều này khiến phương pháp xạ trị không có hiệu quả cao.
Mặc dù còn cần tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn nữa nhưng có thể
khẳng định chắc chắn là có mối tương quan chặt chẽ giữa sự xuất hiện
quá nhiều của Hades và tính kháng cự phóng xạ của những bệnh nhân ung
thư gan. Chúng tôi đang hy vọng sử dụng được mối tương quan này làm
công cụ tiên đoán phác đồ xạ trị cho các bệnh nhân ung thư gan này. Như
cái tên ám chỉ, enzym Hades không chỉ gây bệnh mà còn cản trở cả quá
trình xạ trị ung thư nữa. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư gan
đã chỉ ra rằng, lượng enzym Hades quá nhiều đã gần như vô hiệu hóa
phương pháp xạ trị liệu và tăng nguy cơ tái phát bệnh. Điều này cũng có
nghĩa, nếu các nhà khoa học có thể tìm ra một chất kiềm chế được enzym
Hades thì sẽ giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp xạ trị. Vậy việc
khám phá ra enzym Hades sẽ mang lại những thay đổi gì trong việc chữa
trị bệnh ung thư?
... và những ứng dụng từ nghiên cứu về “thần chết”
“Có
vô số khả năng y học mở ra nhờ phát hiện ra enzym Hades phá hủy protein
p53 chống ung thư. Đầu tiên, các bác sĩ có thể kiểm tra lượng enzym
Hades hiện có để dự đoán được hiệu quả của phương pháp xạ trị. Từ đó,
bác sĩ có thể dự đoán liệu bệnh nhân đó có phù hợp với phương pháp xạ
trị này hay không. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ phát triển các
loại thuốc có thể ức chế sự xuất hiện của enzym Hades và sử dụng thuốc
đó để tối đa hóa hiệu suất của phương pháp xạ trị. Những loại thuốc này
sẽ giúp xóa bỏ sự xuất hiện của enzym Hades và sau đó tăng lượng p53
lên, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả”. Phát hiện và kiểm
soát enzym Hades sớm cũng có thể ngăn ngừa sự phát triển thêm của các
tế bào ung thư hay di căn.
GS. Ahn cho biết: “Một hệ thống thí
nghiệm đặc biệt của chúng tôi đã cho phép phát hiện Hades từ 4 - 5 năm
trước. Chúng tôi gọi đó là “hệ thống phát hiện protein tương tác trên
bộ di truyền”. Với hệ thống này, chúng tôi có thể chọn lọc và nghiên
cứu riêng protein p53 nhằm tìm ra khả năng kết hợp của nó với các gen
di truyền. Cũng qua đây, chúng tôi còn khám phá ra được các gen di
truyền mới có thể kết hợp với những protein nhất định nào và dự đoán
được protein nào có thể phân hủy p53. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chỉ
dừng ở việc nghiên cứu riêng về p53 nữa mà sẽ mở rộng nhằm tìm kiếm
thêm những enzym mới. Hiện nay, chúng tôi đã thành công trong việc tìm
ra một số enzym có vai trò hỗ trợ p53. Nói tóm lại, mục tiêu của chúng
tôi là phát hiện thêm các enzym mới tác động lên căn bệnh ung thư và
dựa trên đó để phát triển những phương pháp chữa trị phù hợp.” Như vậy,
nghiên cứu này là kết quả của “hệ thống phát hiện protein tương tác
trên bộ di truyền” được GS. Ahn phát triển từ năm 2005. Giáo sư đang nỗ
lực dùng công nghệ đột phá này để tìm thêm các loại enzym khác nhằm
giúp kiểm soát giai đoạn đầu của các căn bệnh khác nữa. Hy vọng không
lâu nữa, thuốc và các phác đồ điều trị dựa trên nghiên cứu của GS. Ahn
có thể phát huy hiệu quả trong việc chinh phục được bệnh ung thư, một
trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại.
Quỳnh Diệp
Theo SKĐS