Hình như là mến thương
Lương thấy nhẹ cả người. Thở phào ra một cái nhẹ nhàng gì đâu. Tự dưng Lương thèm thấy đứa nhỏ quá, thèm được bồng nó, bồng cái dải khăn ướt ấy một lần coi sao. Chân tay nó khua khoắng ngộ phải biết. Chắc thương lắm. Mà nó có quen biết gì với Lương đâu chớ, nó chỉ là hàng xóm của vị khách lờ ngờ này, Lương cũng chưa biết gì về anh ta cả. Có ngộ lắm không?
Một bóng người vào quán, nhìn lơ ngơ và chọn một cái bàn sát cửa ra vào. Đám con gái chỉ trỏ vị khách mới đến, cười khúc khích:
- Đứa nào kiếm chút bạc lẻ thì ra tiếp anh chàng đi. Trông lơ ngơ như nai ấy chắc túi rỗng.
Lương đứng lên, chậm chạp tiến lại, hỏi:
- Anh uống gì?
- Cho tôi chai bia.
Đặt chai bia xuống bàn, Lương hất mặt ra phía ngoài: “Anh không phải là khách của quán, nếu cần một chai bia sao anh không sang quán cóc bên kia đường? Ở đó trong lành và mát mẻ hơn”. Anh ta nhướng mắt nhìn Lương, tự khui bia và rót vào hai cái ly: “Cô uống với tôi nhé. Tôi không có nhiều tiền để mời cô đâu. Sếp bảo tôi đợi ở đây thì tôi đợi”. Lương cười khẽ: “Dễ bảo quá hả”.
- Sao cô không uống?
- Buồn chết được!
- Trời, chết mà cũng buồn nữa. Tôi đây còn chưa muốn chết, xinh xẻo như cô chết chi cho uổng?
Lương bật cười, Lương mà xinh xẻo nỗi gì. Lương làm một hơi cạn ly, hơi dằn cái ly xuống bàn, Lương chống cằm: “Chết có gì mà uổng?”. “Uổng chớ, công cha mẹ mình sinh ra, nuôi mình lớn vầy, bú mớm vất vả mà đòi chết có phải là bất hiếu không?”. Rồi anh ta làm luôn một hơi: “Cô chưa nuôi con cô chưa biết đâu. Hồi mới sinh mình bé xíu bé xiu như chai bia vầy nè. Có khi còn nhỏ hơn chai bia, nhỏ bằng nắm tay thôi. Nuôi nấng cực khổ lắm mới dần lớn, cũng như trái bầu, trái bí vậy. Rồi còn khóc đêm, khóc ngày. Rồi đói cũng khóc, buồn cũng khóc và nhõng nhẽo cũng khóc. Còn ăn bột, uống sữa nữa, trời ơi là vất vả”. “Sao anh biết hay vậy? Anh có con rồi hả?”. “Trời ơi, tôi chưa có người yêu lấy đâu ra con. Chị Ba hàng xóm của tôi đó, ngày nào tôi chẳng chạy qua bồng đứa nhỏ cho chỉ giặt đồ. Con nhỏ quặt quẹo thấy thương luôn, như dải khăn ướt vậy”. “Cha nó đâu?”. Anh ta ngửa cổ uống cạn ly bia, trầm hẳn xuống: “Cha nó đạp xích lô, chả vụng về gì đâu. Bồng con mà đánh rớt con mấy lần”.
- Vậy thì chết còn gì?
Lương chợt hốt hoảng như chính mình vừa làm rớt đứa nhỏ.
- Hên là rớt xuống đống chăn. Má nó đề phòng trước rồi.
Lương thấy nhẹ cả người. Thở phào ra một cái nhẹ nhàng gì đâu. Tự dưng Lương thèm thấy đứa nhỏ quá, thèm được bồng nó, bồng cái dải khăn ướt ấy một lần coi sao. Chân tay nó khua khoắng ngộ phải biết. Chắc thương lắm. Mà nó có quen biết gì với Lương đâu chớ, nó chỉ là hàng xóm của vị khách lờ ngờ này, Lương cũng chưa biết gì về anh ta cả. Có ngộ lắm không?
- Cô hết buồn chưa?
- Làm sao mà hết được.
- Cô đi chơi với tôi không, tôi đưa cô về thăm con nhỏ đó.
- Anh đã biết gì về tôi đâu mà rủ đi. Anh còn đang đợi sếp anh mà.
Anh chàng gãi đầu: “Vậy mai mốt nghe, nhưng cô rảnh không?”. Lương có làm gì đâu mà không rảnh. Lương vẫn tự cho mình là tỉ phú thời gian mà. Thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ. Hồi tầm này năm ngoái, Lương hay tin mẹ mất, mẹ đi buôn rau bị xe cán chết. Lương có hay gì đâu, định dành dụm ít tiền rồi mới về thăm mẹ, cho ông cha dượng sáng mắt ra. Vậy mà mẹ mất, Lương cũng không về đưa tang mẹ được. Lương là đứa con bất hiếu. Trên đời, Lương không còn ai là người thân thích, bạn cũng không. Lương thành một cọng cỏ dại nhưng mạnh mẽ, bị chà đạp kiểu gì cọng cỏ cũng vẫn ngoi lên và sống được.
* * *
Lương ngồi sau xe, Xanh đạp máy cho xe chạy, tiếng xe kêu giòn giã hòa vào dòng người trên đường. Gió thật gió, nắng thật nắng. Xanh ngoảnh lại: “Đừng có hỏi ba con nhỏ nghe”. “Sao vậy?”. “ Ảnh chết rồi. Say rượu trúng gió chết rồi. Chỉ khóc quá trời là khóc”. Lương nghe lòng quặn lên một cái. Sao những người yêu nhau, có tình với nhau lại không được sống gần nhau.
Xanh vồ vập hôn hít con nhỏ một hồi rồi cởi áo, đi quanh quanh nhà, làu bàu thật tình “sao hết củi không chờ tôi về chẻ mà tự chẻ chi vậy, người như thế gánh nước gì nổi mà tự đi gánh nước chớ. Tôi đã bảo là chờ tôi mà”. Chị Ba gấp cái áo của Xanh một cách nâng niu rồi vắt lên sợi dây ở góc nhà: “Tôi phải tự làm lấy đi chớ, nhờ Xanh cả đời sao được”. “Sao lại không được, chị thiệt tình... Tôi có phải người xa lạ gì chớ”. Hai người nói chuyện với nhau như quên sự có mặt của Lương, họ trách móc nhau như kể nỗi đau lòng mình. Lương bồng con nhỏ ra sau nhà, rửa mặt cho nó, đụng nước con nhỏ toét miệng ra cười. Lương thèm biết bao một con nhỏ thế này. Xanh vào bếp tìm con dao rồi lăn ra chẻ củi, Xanh làm thành thục như quen lắm. Chị Ba nhìn Xanh, đưa cho Xanh cái nón và tất tưởi đi pha ly nước, đưa cho Lương:
- Mang ra cho ảnh đi. Ảnh tốt lắm đó.
Lương thấy má mình nóng nóng. Lương vội vàng đính chính:
- Tụi em không có gì đâu.
Xanh ngẩng mặt lên, nhe hàm răng trắng ra cười: - Không có thì giờ có, sao đâu.
- Tôi không có giỡn nghe.
- Tôi cũng đâu có giỡn. Tôi thương người ta thật tình.
Xanh cười cái nữa rồi giơ búa lên bổ, mồ hôi rơi thon thót thấy thương. Chị Ba cười ý nhị nhìn Lương rồi nhìn Xanh, ngày xưa chị với anh Ba cũng bắt đầu như thế. Rồi thành vợ thành chồng. Dăm ba bận cự cãi đánh lộn mà vẫn hạnh phúc tràn đầy. Rồi con bé này ra đời. Hạnh phúc tròn hơn, xinh xinh mang dáng thiên thần. Thấy hai người trẻ tuổi vui, chị cũng thấy vui lây. Nỗi buồn vừa chợt dềnh lên lại lui xuống.
Tự dưng Lương buồn buồn, muốn tâm sự: - Em không xứng với ảnh đâu chị.
Có sao, chị Ba nhìn Lương thương cảm. Chị cũng là phụ nữ, chị hiểu lắm chứ. Nhưng chị tin Lương vẫn là người tốt. Người tốt xứng đáng được hạnh phúc chứ?
Xanh đưa Lương về nhà Xanh, một căn nhà lá bé tí xíu và bừa bộn. Áo quần của Xanh vứt lung tung trên dây, dưới giường. Xanh vơ chúng vào lòng: “Tôi đi suốt ngày, không có thời gian dọn dẹp nữa”. Lương giằng đống quần áo trên tay Xanh, đống quần áo sực lên mùi mồ hôi sao thân thương lạ kỳ. Lương hơi ngượng, vờ gắt: “Chỉ có thời gian đi giúp thiên hạ chứ gì?”.
Xanh cười không trả lời, lui cui nhóm lửa nấu nước. Phía bên ngoài, tiếng côn trùng rỉ rả thành bè, gió thông thống làm bay mấy cái khăn đang vắt trên dây mắc ngang nhà. Gió thổi phù phù lùa bếp của Xanh reo phần phật. Khung cảnh này sao thấy yêu quá chừng.
- Đất ngoài kia của ai?
- Người ta, Lương hỏi làm gì?
- Tôi tính mua đất dựng túp lều làm hàng xóm của chị Ba.
Lương tính nói “của anh” nhưng cuối cùng lại trớ sang “của chị Ba”. Xanh ngẩng đầu lên, nói: “Lương về đây mà ở”. “Vô duyên. Nhà anh mắc gì tôi ở?”. “Thì thành nhà Lương, có sao”. Lương sững người. Phải chăng là lời tỏ tình của Xanh? Liệu Lương có ảo tưởng quá không? Xanh nhìn Lương, cái nhìn rất chân thật. Ly trà ngào ngạt khói lặng lẽ bay. Xanh đã biết gì về Lương đâu, cả Lương cũng thế. Theo Xanh về đây, Lương thấy mình hơi mạo hiểm. Lỡ Xanh là người xấu thì sao. Chợt Lương thấy buồn cười. Lương có gì quý mà còn sợ mất. Những gì mất được Lương đã mất rồi còn đâu. Lương bỗng thèm khóc quá. Khóc vì sao thì Lương cũng không rõ, nhưng thèm được khóc.
- Lương qua ngủ với chị Ba nghe, tôi ngủ bên này.
Lương bướng bỉnh:
- Tôi thích ngủ bên này.
Xanh trợn tròn mắt, gãi đầu sồn sột như bị hàng đàn chấy cắn. Nói là làm, Lương cầm cái gối phủi bụi trên giường như sắp sửa nằm ngủ đến nơi. Xanh luýnh quýnh đi qua đi lại trong nhà. Coi bộ Lương làm thật chứ không đùa. Xanh ngồi xuống cái ghế gỗ vừa nãy Lương ngồi. Nhìn Lương chuẩn bị giường chiếu mà lúng búng: “Không được đâu, Lương không ngủ ở đây được đâu”. “Sao lại không được?”. Giọng Lương ngược ngạo chua lè. Xanh đứng lên, hai bàn tay vặn vẹo nhau khổ sở: “Không được là không được”.
Lương òa khóc, chạy vù qua mặt Xanh ra khỏi nhà, tiếng khóc còn vương lại sau, nghe mà đau thắt ruột. Ngoài trời tối đen như mực, Lương không thạo đường xá, dễ ngã xuống ruộng lắm. Xanh vội vàng lao theo, chợt nghe tiếng nước quẫy ầm ầm. Lương đang ngoi ngóp dưới con mương đầy nước.
Lương ngồi thu lu trên cái giường của chị Ba, con nhỏ đã ngủ ngon lành. Đôi môi tròn xinh hồng hồng như cánh hoa. Hai tay nó dang rộng thoải mái trong giấc ngủ thiên thần. Lương thèm được như nó quá. Chị Ba tém mùng, đưa cho Lương cái gối:
- Ngủ đi em, đàn ông mà.
Lương không hiểu chị Ba nói vậy là sao nhưng cũng không buồn hỏi. Đàn ông với chả đàn iếc. Thây kệ họ. Lương muốn hỏi chị Ba ngày xưa chị yêu anh Ba như thế nào nhưng lại không dám, sợ chị buồn. Trong những nỗi đau, nỗi đau mất người thân là nỗi đau lớn nhất.
Sáng sớm, Xanh qua nhà khua mọi người dậy. Không biết Xanh dậy từ lúc nào mà đã nấu cho mọi người bữa xôi đậu phộng thơm lừng. Xanh đưa tận tay chị Ba dĩa xôi, tiện tay đón con nhỏ, hôn nó thật lâu, thật nồng. Thấy Lương lùng nhùng trong bộ bà ba, Xanh che miệng cười: “Ngủ ngon không? Ăn đi rồi mình về”. Chị Ba đẩy lưng Lương một cái, cười mủm mỉm. Lương quay sang chị:
- Chị cho em ở lại đây nghe. Em không muốn về thành phố nữa đâu.
Chị Ba nhìn Xanh bối rối: “Nhưng mà...”. Xanh im lặng một chút, nói: “Chị cho Lương ở lại đi chị”. Chị Ba nhìn Xanh rồi khe khẽ gật đầu. Lương thấy mình như trút được gánh nặng. Lương sợ thành phố lắm rồi. Đêm qua là một đêm ngắn nhất trong đời Lương. Lương đã ngủ liền một mạch mà không hề mộng mị. Giấc ngủ đến với Lương nhẹ nhàng thanh thản. Giấc ngủ ngon nhất đời. Lương sợ lắm những đêm dài ở thành phố, những cái bóng chập chờn mang gương mặt người luôn vây quanh Lương như trêu đùa, như dọa dẫm, mùi son phấn lẫn mùi bia rượu trộn lẫn tống vào cổ Lương nghẹn đắng. Đêm nào Lương cũng bừng dậy, lưng áo ướt đầm vì sợ.
Xanh chở Lương ra chợ chơi. Chợ quê lèo tèo vài gian hàng xập xệ. Những con cá còn sống nguyên giãy đành đạch trên thảm cỏ, những mớ rau còn ướt sương non mơn mởn. Xanh đưa Lương đến quầy quần áo duy nhất ở chợ, chọn mua cho Lương mấy bộ bà ba. Đưa gói giấy cho Lương, Xanh cười:
- Nhà quê phải vậy. Mặc tạm đi, lần sau tôi về sẽ mua nhiều hơn cho.
- Vầy là đủ rồi. Mua nhiều tốn tiền.
- Không sao đâu, Lương phải mặc cho đẹp chứ.
Ngần ngừ một chốc, Xanh mới nói nhỏ: “Trưa này tôi phải đi, cuối tuần mới về được. Lương chờ nghe...”. Tim Lương nhảy thụp một cái như con cá búng nước. Lương im lặng, tìm cho con nhỏ con chị Ba một cái váy đầm. Xanh xoay cái váy ngắm: “Dễ thương quá hén. Xanh cũng thích có con gái lắm. Xanh sẽ mua thiệt nhiều váy cho nó mặc. Hẳn nó sẽ xinh lắm, như công chúa vậy”. Lương hừ mũi: “Nói gì thiên địa vậy?”. Xanh cười: “Nói thiệt đó. Thôi mình về đi”.
Ăn trưa xong Xanh đi. Chị Ba ôm riết cái áo đầm Xanh mua cho con nhỏ. Lần nào về Xanh cũng có quà cho nó, cho mẹ nó nữa nhưng lần này Xanh không mua gì cho chị hết. Lương thấy chị có vẻ buồn buồn, ánh mắt chị nhìn Xanh sao cứ tần ngần, như tủi thân tủi phận.
Xanh đi, chị Ba bồng con vào nhà sau khi chào Xanh. Lương máng cái giỏ vào cổ xe cho Xanh. Xanh nói nhỏ: “Lương qua nhà ở nghe, cho có hơi người. Nhà để lạnh lẽo vậy buồn lắm”. Lương mím môi không nói. Xanh cười, chạm nhẹ vào tay Lương rồi cho xe chạy. Đi một đỗi rồi mà Xanh còn ngoái lại cười. Xa thế rồi mà Lương vẫn còn thấy nụ cười với hàm răng lấp lóa nắng.
Lương giơ tay đón con nhỏ, nó cười với Lương một nụ cười nhểu dãi, chị Ba vội vàng: “Nó sắp mọc răng”. Lương đưa cho chị Ba gói áo quần: “Lát em cũng phải đi”. “Đi đâu?”. Lương hít một hơi lấy tinh thần: “Em cũng chưa biết, nhưng em không về nơi cũ nữa đâu. Em chán ngán lắm rồi”. “Em ở lại đây đi. Xanh là người tốt đó”. Lương cười, Lương có nói Xanh không phải là người tốt đâu, nhưng Lương không thể. Lương thấy mình vô duyên tệ, nếu không có Lương, chắc...
Lương trả con bé, dứt khoát đứng dậy: “Em đi đây. Chị ráng chờ Xanh nghe”. Chị Ba nhìn Lương không trả lời. Con bé chợt vặn vẹo khóc. Lương cúi hôn nó một cái, nghe mằn mặn nước mắt.
Không phải là Lương không yêu Xanh, không phải là Lương cao thượng. Mà tại Lương chợt hiểu ra, Lương yêu tất thảy mọi người.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Bình